Hiện nay đã vào mùa khô hanh, thời tiết nắng nóng tại các tỉnh thành phía Nam đang lên cao điểm, nhiệt độ dao động từ 34-36 độ C. Thời tiết cực đoan sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, cũng như điều kiện làm việc ngoài trời của một số ngành nghề đặc thù.
Ngành điện là một trong những ngành đặc thù đó, công nhân ngành điện trực tiếp làm công tác quản lý vận hành và sữa chữa lưới điện, phải thường xuyên làm việc ngoài trời, đặc biệt là khi làm việc trên cao, tại những vùng có nhiệt độ nóng ẩm và những vùng đất khô cằn hạn mặn.
Trong điều kiện làm việc khó khăn đó, đặc biệt là trong khi dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng lại, việc bảo vệ bản thân của người lao động ngành điện cần phải được đảm bảo hơn, trong đó ý thức tự ngăn ngừa bảo vệ bản thân là trên hết, nhằm hạn chế xảy ra những rủi ro đáng tiếc.
“Say nắng - Sốc nhiệt” là hiện tượng đặc biệt nguy hiểm, thường dễ xảy ra trong mùa nóng khi người lao động tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, cơ thể không thể tự hạ nhiệt, dẫn đến tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt, có thể gây tổn hại đến não và các cơ quan nội tạng. Do đó, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khuyến cáo đến toàn thể CBCNV hãy chủ động chăm sóc và bảo vệ bản thân trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay.
Đối với công nhân lao động trực tiếp tại hiện trường
Khi làm việc, lao động nặng nhọc trong thời gian dài dưới trời nắng nóng gay gắt, cơ thể sẽ bị mất muối, nước, có các triệu chứng như: Tiết mồ hôi nhiều, cảm giác ớn lạnh, da lạnh và ẩm ướt, mạch nhanh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, chuột rút, mệt mỏi, say nắng hoặc ngất xỉu... Khi có những dấu hiệu này, người lao động phải dừng ngay các công việc, chọn chỗ thoáng mát nghỉ ngơi, uống nước, bù nước bằng dung dịch điện giải. Nằm xuống nghỉ ngơi, nới lỏng quần áo, phủ lên người khăn hoặc quần áo ẩm để làm mát và tìm sự trợ giúp của y tế và những người xung quanh.
Để phòng ngừa các bệnh lý do nắng nóng gay gắt, chúng ta nên mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, chú ý trang bị đúng và đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân… trong khoảng từ 10h đến 16h. Nếu nhiệt độ cơ thể suy giảm mà cứ tiếp tục làm việc trong môi trường nóng bức thì có thể sẽ gây ra hiện tượng đột quỵ, tai biến.

Trước khi ra hiện trường làm việc phải chuẩn bị nước uống, chuẩn bị các phương án chống say nắng. Nên sử dụng bình đựng nước riêng từng cá nhân, tránh tình trạng nhiều người sử dụng chung một bình, điều này dễ lây lan dịch bệnh cũng như hạn chế được việc tập trung đông người.
Khi làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng, đặc biệt là ở trên cao, ngoài trang bị bảo hộ lao động cá nhân công nhân ngành điện cần trang bị thêm những biện pháp phòng tránh tình trạng cơ địa thiếu nước, cần có biện pháp bảo vệ an toàn trong điều kiện làm việc nắng nóng như đeo kính chống nắng, khẩu trang. Đặc biệt là đối với những người đã từng bị nhiễm Covid-19 nên có những phương án tự bảo vệ bản thân sau khi đã khỏi bệnh.
Nên tính toán kỹ càng khi làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian nắng nóng, nhiệt độ cao. Tránh những hoạt động gắng sức khi ở ngoài trời hoặc làm việc dưới ánh nắng mặt trời kéo dài. Cơ thể chúng ta có nhiều nguy cơ mất nước do nhiệt độ thời tiết nắng nóng, do vậy cần duy trì lượng nước cả ngày.
Thời tiết nắng nóng, cơ thể sẽ tiết nhiều mồ hôi để tự làm mát, như vậy sẽ dẫn đến cơ thể bị mất nước, do đó chúng ta nên lưu ý bổ sung nước trước khi ra hiện trường, nên uống nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…
Không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng, không uống quá nhiều nước có gas, bởi các loại gas trong nước giải khát sẽ loại nước ra khỏi cơ thể. Nước ngọt có ga chỉ có thể giải khát tạm thời, khoảng một vài phút sau khi uống, bạn sẽ càng cảm thấy khát nước hơn.
Các đơn vị nên linh họat điều kiện làm việc cho người lao động, bố trí ca kíp hợp lý đảm bảo có thời gian nghỉ dưỡng phục hồi, tái tạo sức lao động. Các anh em công nhân làm việc ngoài trời nếu thấy có biểu hiện bất thường về sức khỏe phải báo cáo cấp trên, không nên làm quá, làm cố…. dẫn đến tình trạng kiệt sức, co giãn cơ và đau gây ra tai nạn.
Đối với người lao động làm việc gián tiếp
Thời tiết nắng nóng sử dụng máy lạnh liên tục khiến không khí trong phòng bị tù đọng, thấp hơn bên ngoài, nhiệt độ chênh lệch nhau. Điều này dẫn đến dễ bị mất nước, cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi, hen suyễn, viêm xoang, viêm tai giữa…

Đang ở trong môi trường mát lạnh, nếu có việc đi ra ngoài nắng nóng; khi về chúng ta thường có thói quen chạy vội vào phòng có điều hòa mát lạnh, hoặc ngược lại. Đây là thói quen cực nguy hiểm, có thể dẫn đến sốc nhiệt, nguy cơ đột quỵ cực cao. Bởi vì do cơ thể chưa kịp thích nghi với nhiệt độ phòng hoặc ngoài trời, nhất là khi di chuyển từ một chỗ quá nóng sang một nơi quá lạnh và ngược lại.
Phòng làm việc không để nhiệt độ điều hòa quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp vào người. Khi ra khỏi phòng tiếp xúc với môi trường nắng nóng (đi ăn trưa, đi công việc, đi về nhà…) cần hạ nhiệt độ máy điều hòa trước 30 phút để thích nghi dần mức nhiệt, nên mở các cửa và đứng ở đó vài phút để cơ thể kịp thích nghi với không khí mới, nhằm tránh tình trạng cơ địa thay đổi đột ngột không thích nghi kịp mức nhiệt mới, có thể dẫn đến say nắng hoặc đột quỵ.
Những cảnh báo chung
Nếu đang đi ở nhiệt độ 40 - 43 độ C ngoài trời mà bước vào phòng điều hòa hoặc xe hơi có nhiệt độ 20 - 22 độ C sẽ rất nguy hiểm. Sự thay đổi đột ngột này là nguy cơ cho sốc nhiệt, đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng con người.
Với trường hợp sau khi tắm, nhiệt độ cơ thể giảm, nếu ngay lập tức bước vào điều hòa ở nhiệt độ thấp sẽ gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động lưu thông máu trong cơ thể, làm máu lên não chậm, ảnh hưởng tới nhịp đập của tim và huyết áp. Đặc biệt, những người có sức khỏe, sức đề kháng yếu… nếu ngồi phòng có máy điều hòa ngay sau khi tắm sẽ rất dễ gặp tai biến, đột quỵ.
.jpg)
Nếu xe hơi đỗ ở ngoài nắng quá lâu, việc đầu tiên cần làm trước khi lên xe là mở cửa sổ ra để giảm bớt khí nóng bên trong. Nếu cơ thể người đi xe có mồ hôi, cần lau khô hoặc để người ráo mồ hôi mới bước vào xe và bật điều hòa, nếu không sẽ bị cảm lạnh. Ban đầu khi bật điều hòa chỉ nên bật từ từ để cơ thể thích nghi dần, không nên đột ngột rồi giảm nhiệt độ.
Thời tiết nắng nóng sẽ khiến cơ địa rệu rã, mệt mỏi, chán ăn, uống nước nhiều. Bởi vậy, để có nguồn năng lượng dồi dào trong cả ngày dài, đồng thời giúp cơ thể luôn mát mẻ, không có cảm giác nóng bức, ngứa ngáy, gia đình chúng ta có thể chọn những loại thực phẩm hàn lành tính, dễ tiêu, giải nhiệt. Các món canh, các loại trà thảo mộc, các loại rau xanh.
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả trái cây để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối./.