Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, trong năm 2022 nước ta sẽ bị ảnh hưởng từ 10 đến 12 cơn bão. Trong đó, có từ 04 đến 06 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Đặc biệt, vào những tháng cuối năm 2022, bão/ Áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực phía Nam. Khi có Bão/Áp thấp nhiệt đới sẽ gây giông, lốc, mưa to, lũ lụt làm các công trình xây dựng, mái tôn, biển hiệu, cây xanh ngoài Hành lang lưới điện ngã đổ, bay vào lưới điện gây sự cố và tai nạn điện.
Chủ động ứng phó trước tình hình thời tiết cực đoan
Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan năm 2022, Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD) đã xây dựng những phương án và giải pháp ứng phó, cụ thể như: Kiện toàn Ban Chỉ huy, lực lượng xung kích; chuẩn bị phương tiện, vật tư, trang thiết bị dự phòng, vật tư y tế; chuẩn bị hậu cần để sẳn sàng ứng phó, khắc phục (hoặc hỗ trợ đơn vị bạn khắc phục) sự cố lưới điện do thiên tai gây ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Lập phương án Phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn (PCTT&TKCN) cho công trình lưới điện và hệ thống viễn thông dùng riêng; Tổ chức kiểm tra, khắc phục kịp thời những tồn tại của lưới điện như thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông, các đường dây mới đưa vào vận hành …). Phối hợp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương xử lý các vị trí cây xanh, bảng hiệu ngoài hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) có khả năng ngã đổ vào lưới điện gây sự cố; những khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập úng gây rò điện gây tai nạn điện khi có thiên tai xảy ra; Kiểm tra, rà soát lại phương án đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các công trình PCTT, các phụ tải quan trọng; Đặc biệt, việc tổ chức diễn tập phương án PCTT&TKCN và xử lý sự cố tại các đơn vị trực thuộc và Công ty luôn được tổ chức hàng năm.

Tăng cường cảnh báo tai nạn điện trong dân
Trước tình hình 09 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra 11 vụ tai nạn điện trong dân (tăng 03 vụ so với cùng kỳ), làm 06 người chết và 06 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu ở một số nguyên nhân là do lưới điện hạ áp của người dân sử dụng lâu ngày, xuống cấp bị bong tróc vỏ hoặc các vị trí mối nối không được bọc kín dẫn đến chạm chập, gây tai nạn khi người dân chạm vào; Do người dân sửa chữa nhà ở, lắp đặt biển hiệu, câu cá trong HLATLĐCA… vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện gây sự cố, tai nạn điện. Việc xảy ra tai nạn điện trong dân và sự cố cháy, nổ do chạm chập điện gây ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần, vật chất cho người dân.
Để ngăn chặc những tai nạn về điện đáng tiếc có thể xảy ra trong dân, Công ty Điện lực Bình Dương thường xuyên tuyên truyền trong nhân dân về bảo vệ HLATLĐCA và ngăn ngừa tai nạn điện qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài phát thanh, đài truyền hình, cấp phát tờ rơi trực tiếp cho các tổ chức và nhân dân. Bên cạnh đó, Công ty còn theo dõi tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trên trang web PCTT của EVN để chủ động đề ra các biện pháp ứng phó cho phù hợp với tình hình thực tế.
Phòng ngừa và ngăn chặn sự cố cháy nổ
Nhằm hạn chế thấp nhất sự cố cháy nổ do chạm chập điện gây ra, Công ty Điện lực Bình Dương đã triển khai các giải pháp sau:
Công tác tham mưu: Đã kiến nghị với Sở Công thương, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) tỉnh Bình Dương thành lập Đoàn kiểm tra việc sử dụng điện an toàn tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, sản xuất đông người có nguy cơ cháy nổ cao (quán bar, vũ trường, quán karaoke, cơ sở sản xuất, gia công…).
Công tác kiểm tra: Phối hợp Cảnh sát PCCC&CNCH địa phương, UBND các xã, phường kiểm tra việc sử dụng điện an toàn tại cơ sở kinh doanh dịch vụ đông người, đặc biệt đối với khách hàng là quán bar, karaoke, vũ trường…, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây cháy nổ cao khi có yêu cầu; Đã phối hợp với các Ban Quản lý, Ban Quản trị kiểm tra 21 Khu Chung cư cao tầng, Khu Nhà ở xã hội trên địa bàn về công tác an toàn điện, sử dụng điện đối với hệ thống cung cấp điện cho Khu Chung cư cao tầng, Khu Nhà ở xã hội. Qua đó, tuyên truyền, khuyến nghị các Ban Quản lý, Ban Quản trị tổ chức khắc phục các thiếu sót và sử dụng điện an toàn, hiệu quả. Đối với các Khu Chung cư cao tầng, Khu Nhà ở xã hội còn lại sẽ tiếp tục thực hiện hoàn tất trong năm 2022.
Công tác tuyên truyền: Tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn sử dụng điện nhất là đối với các tòa nhà cao tầng, cơ sở sản xuất có vật liệu dễ cháy, cơ sở kinh doanh dịch vụ đông người tại địa phương bằng nhiều hình thức: In poster có nội dung tuyên truyền biện pháp phòng ngừa tai nạn điện, hướng dẫn kỹ năng xử lý khi xảy ra cháy, nổ và phối hợp với Ban quản trị các tòa nhà chung cư, bệnh viện, trường học để dán ở khu thông tin chung, lối cầu thang, thang máy; Tổ chức in ấn các tờ rơi tuyên truyền về an toàn điện trong sinh hoạt, cảnh báo nguy hiểm và cách xử lý tình huống khi xảy ra sự cố về điện; Hướng dẫn khách hàng có lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời thực hiện quy định đảm bảo an toàn trong quá trình lắp đặt, vận hành, sử dụng; Trình chiếu các video clip, hướng dẫn về sử dụng điện an toàn, phòng tránh cháy nổ, đảm bảo an toàn PCCC tại các phòng giao dịch khách hàng của Công ty.