Hướng về phía tây nam của tổ quốc, đến với vùng biển và những hòn đảo ẩn chứa nhiều thế mạnh tự nhiên của Việt Nam. Mời mời quý vị cùng nhóm thực hiện phóng sự tìm hiểu một chặng đường phát triển của Phú Quốc trong 10 năm qua.
Trong lịch sử hơn 300 năm, Phú Quốc được coi như một mảnh đất trù phú để tiền nhân dừng chân trên con đường khai phá xuống phía tây nam tổ quốc. Với diện tích 567 km², chiều dài khoảng 50km và nơi rộng nhất là 25 km, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam với hơn 20 hòn đảo nhỏ lân cận.
Từ một vùng đảo hoang sơ, nằm xa đất liền Phú Quốc ngày một được kéo gần lại nhờ hệ thống giao thông đường biển và đường không thuận tiện, hiện đại. Nằm cạnh đường giao thông trên biển của khu vực và quốc tế như kênh đào KRA, eo biển Malacca, khoảng cách từ Phú Quốc tới trung tâm các nước trong khu vực Đông Nam Á giờ chỉ mất khoảng 2 giờ bay.
Nắm rõ được thế mạnh của đảo, chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách nhằm xây dựng Phú Quốc ngày một hiện đại hơn. Trong 10 năm trở lại đây, Phú Quốc như chuyển mình, khoác lên tấm áo mới. Tiếng thơm về vùng đất lành cũng thu hút bà con từ đất liền và nơi xa về đây làm ăn sinh sống ngày một nhiều. Tên đảo Phú Quốc xuất hiện như một ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch việt nam và thế giới.
Ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc: " Huyện đảo Phú Quốc có nhiều thay đổi, tỷ lệ tăng trưởng trong 10 năm gần đây về mặt kinh tế khá cao cụ thể trên Huyện đảo đã có cảng biển, sân bay quốc tế.."
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống của bà con tại đảo đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây.
Những gì đã tốt hơn so với 10 năm trước đây.
Phú Quốc được mệnh danh là đảo Ngọc chính nhờ vào những tiềm năng và lợi thế tự nhiên của mình. Địa hình đảo có đầy đủ các tính chất địa lý: sông, suối, thác gềnh, đồi núi, biển đảo. Nguồn nước ngọt dồi dào trên đảo. Tất cả những tính chất trên không chỉ giúp cho đảo phát triển các sản vật nông nghiệp, ngư nghiệp mà còn là lợi thế để phát triển một ngành dịch vụ du lịch sinh thái độc đáo. Hồ Tiêu Phú Quốc là một thương hiệu nổi tiếng cả trăm năm nay, từ ngày bà con trên đảo bắt đầu trồng vài gốc tiêu với kỹ thuật canh tác thô sơ. Cho đến ngày nay, khi bà con đã mở rộng diện tích và có hệ thống tưới tiêu hiệu quả trên diện rộng, lượng tiêu cung cấp cho thị trường đã ổn định ở mức trên ngàn tấn mỗi năm.Nước ở vùng biển Phú Quốc ấm quanh năm, rất thuận tiện cho các loại hải sản sinh sôi nảy nở. Huyện đảo được biết đến là nơi có hải sản tươi, ngon độc đáo của Việt Nam. Nước mắm Phú Quốc, một sản phẩm từ cá, từ chỗ sản xuất đủ dùng cho bà con trên đảo, nay đã được tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cả nước và đã tạo được chỗ đứng vững chắc đối với người tiêu dùng.
Ngoài những sản vật nổi tiếng lâu nay, ngọc trai hiện đang là sản phẩm mới chất lượng cao đầy hứa hẹn tại Phú Quốc. Trải qua thời kỳ nuôi trai nhỏ lẻ, hiện nhiều đơn vị đã triển khai các ngư trường nuôi trai lấy ngọc và áp dụng các thiết bị hiện đại trong quá trình xử lý để cung cấp cho thị trường những viên ngọc trai ngày một tinh tế, cao cấp, mang lại nguồn doanh thu khá lớn cho đảo. Tất cả những tiểm năng tự nhiên đều là cơ sở nền tảng bền vững để ngành công nghiệp không khói của Phú Quốc cất cánh. Kế hoạch, chính sách về phát triển Phú Quốc thành một đặc khu hành chính kinh tế của VN và trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch theo từng giai đoạn đã được đặt ra. Sân bay quốc tế hiện đại kết nối Phú Quốc với các cảng hàng không trong và ngoài nước đã khánh thành, đáp ứng nhu cầu thăm đảo của hàng triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, Phú Quốc vẫn phải đối đầu với rất nhiều khó khăn, không chỉ là thách thức với người dân mà cả với tất cả các cơ quan chức năng có liên quan. Kể từ ngày đầu tiên trên đảo có điện, trong hai chục năm qua, nguồn cung cấp điện cho toàn đảo chính là từ nhà máy nhiệt điện diesel. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt và kinh doanh trên đảo đã vượt quá khả năng cung cấp của nhà máy.
Ông Vũ Bảo Quốc - Quản đốc Phân xưởng phát điện Phú Quốc cho biết: "Từ năm 2000 đến nay, về phụ tải điện mỗi năm tăng khoảng 20%, tổng số máy phát là 19 máy trong đó có một số máy hư hỏng, chưa sửa chữa được do máy quá cũ sản xuất khá lâu năng khả năng phát điện 60-70%, do đó công suất phát khoảng 24MW, hiện tại vẫn phải khống chế phát triển phụ tải "
Đáp ứng mong muốn của người dân cũng như đáp ứng nhu cầu năng lượng cho việc đầu tư phát triển Phú Quốc thành một đặc khu hành chính kinh tế của Việt Nam, một Dự án hệ thống cáp ngầm biển 110kV Hà Tiên - Phú Quốc đã được ký kết. Dự án này dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2014, với tổng giá trị dự án cáp ngầm và các công trình đồng bộ cấp điện cho đảo Phú Quốc lên đến 2.336 tỉ đồng. Bà con trên đảo đang chờ mong ngày đảo được hòa vào mạng lưới điện quốc gia.
Đáp lại mong muốn của người dân Phú Quốc, mời quý vị cùng theo dõi ý kiến của đại diện các đơn vị liên quan trong việc triển khai dự án cáp ngầm dẫn điện từ đất liền ra đảo Phú Quốc.
Ông Phạm Ngọc Lễ - Phó Tổng Giám đốc EVN SPC chia sẽ: "Năm 2002 EVN SPC tiếp nhận lưới điện huyện đảo Phú Quốc, ngay sau đó đã đầu tư số vốn rất lớn để cải tạo lưới điện cũng như là mua sắm máy phát điện, đến nay công suất phát điện khoảng 24MW, tuy nhiên với sản lượng điện vẫn không đáp ứng được, phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của huyện đảo, từ năm 2007 Chính Phủ đã có chủ trương đưa điện ra đảo, ngay sau đó Bộ Công thương giao cho ngành điện đầu tư xây dựng đưa điện ra đảo, đến nay EVN SPC làm chủ dự án đầu tư đã ký hợp đồng tư vấn để khảo sát lập dự án đầu tư, kết quả tháng 5/2012 chúng tôi đã ký hợp đồng thiết kế, sản xuất , lắp đặt cáp ngầm với nhà thầu Italy, dự kiến lắp cáp vào đầu năm 2014 và cố gắn đưa vào vận hành điện sớm nhất."
Ông Phạm Vũ Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: "khi điện lưới Quốc gia kéo ra đảo thì giá điện sẽ giảm, đáp ứng nhu cầusản xuất, dịch vụ du lịch trên huyện đảo sẽ phát triển tốt hơn"